Nguyễn Văn Linh là một hiện tượng lịch sử, một con người của lịch sử, hiếm gặp. Tài năng của Ông, sức sáng tạo của Ông thể hiện trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội... Là Tổng Bí thư của Đảng, nhưng Ông cũng là người đã nhiều lần và nhiều năm làm Bí thư Thành ủy Thành phố Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Là học trò xuất sắc của Bác Hồ, lại gắn bó sâu sắc với Thành phố mang tên Bác, có thể nói Ông là Công dân tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh. Đã có nhiều nghiên cứu về Nguyễn Văn Linh trong thời kỳ đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội, bài viết này như một cách bày tỏ những suy ngẫm về Nguyễn Văn Linh trong chiến tranh giải phóng, về Thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm ngày sinh của Ông (1 tháng 7 năm 1915) và ngày Thành phố được vinh dự mang tên Bác Hồ (2 tháng 7 năm 1976).
Nói đến Nguyễn Văn Linh là nói đến một con người nổi tiếng, “người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản rất mực kiên cường, trung thành, tận tụy, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, một người lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, nhân dân và quân đội ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế”[1]. Đó cũng là một người lãnh đạo luôn gắn bó chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, luôn sáng tạo và đổi mới trong tư duy và trong hành động.
Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, ở những nơi gian khó nhất, bị thực dân Pháp bắt giam hai lần ở nhà tù Côn Đảo, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo ở nhiều nơi trên địa bàn cả nước, nhưng Ông đã giành “hơn một nửa cuộc đời hoạt động cách mạng của mình gắn bó máu thịt với miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”[2], và Ông đặc biệt gắn bó với Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh, cả trong thời kỳ chiến tranh giải phóng và gần như suốt 10 năm đầu sau ngày đất nước thống nhất. Có lẽ những phẩm chất truyền thống, văn hóa của quê hương, gia đình, sự rèn luyện trong môi trường gian khó, khắc nghiệt của chiến tranh, của lĩnh vực kinh tế xã hội ở một thành phố lớn đã góp phần hun đúc ở Ông một nghị lực, một khát vọng cống hiến cho Nhân dân, cho Tổ quốc. Gắn bó với con người và văn hóa phương Nam, ở Ông còn thấm đẫm khí phách, hào khí đất phương Nam, góp một yếu tố tạo nên một Nguyễn Văn Linh không lùi bước trước khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, dám đối mặt với thực tế, dám nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận khó khăn của những người đi trước, về sau!
Năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công, từ nhà tù Côn Đảo, Nguyễn Văn Linh được đón về Nam Bộ, được Xứ ủy Nam Bộ bổ sung ngay vào đội ngũ cán bộ cốt cán, hoạt động ở miền Tây, sau đó lên Sài Gòn - Chợ Lớn, trực tiếp lãnh đạo phong trào kháng chiến. Ngay từ lúc đó, tình hình Nam Bộ có những diễn biến phức tạp, Ông đã phát hiện tình trạng lãnh đạo không thống nhất, do đó Ông đã đề xuất với Xứ ủy Nam Bộ nên thống nhất hai tổ chức Thành bộ Việt Minh Sài Gòn và Ủy ban Việt Minh Chợ Lớn lại làm một. Ý kiến của Ông được Xứ ủy chấp nhận. Tháng 5 năm 1946, hai tổ chức này đã thống nhất lại, lập ra Thành ủy lâm thời do đồng chí Trịnh Đình Trọng làm Bí thư. Tháng 8 năm 1946, tại Hội nghị cán bộ Đảng Sài Gòn - Chợ Lớn ở căn cứ Bà Vụ (Vườn Thơm) do đồng chí Lê Duẩn chủ trì, Nguyễn Văn Linh được cử làm Bí thư[3]. Sự thống nhất hai tổ chức lãnh đạo lúc đó và cả sau này đều hết sức có ý nghĩa, khắc phục sự phân tán, tập trung lực lượng lãnh đạo, thống nhất tập hợp quần chúng theo Đảng. Với cương vị là người lãnh đạo cao nhất ở Sài Gòn - Chợ Lớn, Nguyễn Văn Linh đã chỉ đạo, tổ chức xây dựng cơ sở Đảng, các đoàn thể quần chúng, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang, chiến tranh du kích.
Sau thắng lợi của Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, Nguyễn Văn Linh được cử ở lại miền Nam. Với cương vị Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (1955 - 1957), quyền Bí thư và Bí thư Xứ ủy từ cuối 1957 đến 1960, Ông đã có những phát kiến và đóng góp to lớn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh của lực lượng cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và cả Nam Bộ trong những năm tháng vô cùng ác liệt. Chính trong những thời điểm cực kỳ khó khăn ấy, bản lĩnh, ý chí và sức sáng tạo Nguyễn Văn Linh lại tỏa sáng. Nguyễn Văn Linh đã sớm nhận thức được con đường duy nhất của miền Nam là con đường cách mạng bạo lực, con đường huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân đứng lên giành chính quyền.
Ngay khi Hội nghị Trung ương 15 chuẩn bị họp đợt 2, nhận được điện của Trung ương truyền đạt tinh thần cơ bản của Hội nghị, Ông đã chỉ đạo chuyến cơ quan Xứ ủy đang đóng ở Phnôm pênh về vùng căn cứ Tây Ninh, khẩn trương triển khai tinh thần chỉ đạo mới của Trung ương Đảng. Ông đã cùng các đồng chí trong Xứ ủy nghiên cứu và quyết định mở một trận tiến công quân sự, đánh vào một căn cứ có ý nghĩa đầu não của địch ở Nam Bộ, nhằm làm “thối động” tinh thần và ý chí của địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy. Căn cứ Sư đoàn 21 ngụy ở Tua Hai được chọn lựa, sau khi nghiên cứu kỹ, chính Nguyễn Văn Linh đã phê duyệt kế hoạch tiến công. Cùng với Đồng khởi của Bến Tre, trận Tua Hai đã tạo nên sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy, thể hiện sức mạnh và hiệu quả của ba mũi giáp công trên thực tế, mở đầu cho phong trào Đồng khởi như vũ bão của cách mạng miền Nam lúc đó, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công.
Nắm chắc tình hình Thành phố, chính Ông đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi trọn vẹn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chúng ta đều biết rằng, sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế và Chiến dịch Đà Nẵng, với sức mạnh của toàn quân, toàn dân, ta tiến lên giải phóng hoàn toàn các tỉnh ven biển miền Trung, đập tan “Lá chắn thép Phan Rang”, “Cánh cửa thép Xuân Lộc”, áp sát Sài Gòn. Cả nước dồn sức cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Vấn đề đặt ra lúc này là đánh địch ở Sài Gòn theo phương thức nào để vừa đánh sập được cơ quan đầu não của chúng, vừa giữ Thành phố được nguyên vẹn? Với tư cách là Phó Bí thư Trung ương Cục, trực tiếp phụ trách Sài Gòn - Gia Định, Nguyễn Văn Linh nắm rất chắc tình hình và tin tưởng vào khả năng nổi dậy của quần chúng. Nhờ có ý kiến của Ông, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã thống nhất phương án: Vây chặt các đơn vị chủ lực địch; chia cắt lực lượng địch ở vòng ngoài và nội đô; cắt đường rút lui của chúng; dùng lực lượng mạnh có sức cơ động cao đột kích vào nội đô chiếm các cơ quan đầu não của địch; phối hợp với quần chúng nổi dậy làm chủ Thành phố. Phương án này đã được Bộ Chính trị đồng ý, và đã được thực hiện một cách ngoạn mục.
Với việc đề xuất và tổ chức lực lượng tại chỗ nổi dậy làm chủ Thành phố, Nguyễn Văn Linh đã có đóng góp xuất sắc vào giải phóng và bảo vệ Sài Gòn. Về việc này, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, sau này khi nhớ về Nguyễn Văn Linh đã khẳng định: “Nếu không có phong trào quần chúng mạnh, được xây dựng công phu từ nhiều năm - vai trò lãnh đạo của anh Cúc ở đây rất lớn - thì chúng tôi không thể đề ra phương án giải phóng Sài Gòn nhanh gọn và ít tổn thất như vậy. Thật đúng với ý nghĩa - Tổng tiến công và nổi dậy”[4].
Tài năng Nguyễn Văn Linh, sức sáng tạo Nguyễn Văn Linh gắn với bản lĩnh của Ông, trí tuệ của Ông, sự gắn bó của Ông với thực tiễn, với cơ sở. Cả cuộc đời, Ông luôn tin ở Đảng, tin ở dân - đó là cội nguồn, là gốc rễ của sáng tạo, của đổi mới./.
Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
[1] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Linh, ngày 29 tháng 4 năm 1998. Báo Nhân dân, số ra ngày 30 tháng 4 năm 1998.
[2] Tài liệu đã dẫn.
[3] Dẫn theo Phan Minh Hiền, Đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng đồng bào, chiến sĩ miền Nam đi suốt cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong sách: Đồng chí Nguyễn Văn Linh và cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, H., 2001. Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H., 2015 chưa thấy đề cập sự kiện này.
[4] Văn Tiến Dũng, Cùng anh Mười Cúc bàn phương án giải phóng Sài Gòn, “Đồng chí Nguyễn Văn Linh và cách mạng Việt Nam”, Nxb CTQG, H., 2001, tr. 241.