Trong hơn nửa thế kỷ qua, phong trào học sinh, sinh viên và tổ chức Hội sinh viên Việt Nam đã có nhiều đóng góp, thành tích xuất sắc và là niềm tự hào của học sinh, sinh viên ngày nay.
1. Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên là ngày nào?
Từ tháng 2/1950, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 là Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên. Vào ngày nay mỗi năm, Hội sinh viên Việt Nam đều tổ chức lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh những học sinh, sinh viên đạt thành tích cao, có nhiều đóng góp, cống hiến xuất sắc để thể hiện niềm tự hào đối với thế hệ đi trước.
2. Nguồn gốc lịch sử ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên
Sau Cách mạng Tháng Tám, các Hội học sinh kháng chiến và Đoàn sinh viên kháng chiến được thành lập ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội và sau đó các hội đã phát triển thành nhiều trường học ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Các hoạt động của sinh viên và sinh viên kháng chiến ngày càng trở nên phong phú, đa dạng và dần lan rộng cả Đông Dương. Đồng thời nêu cao khẩu hiệu “Tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”.
Chưa dừng lại ở đó, đến những năm 1949-1950, các phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên ở các đô thị cũng diễn ra liên tục, rầm rộ với hơn 10000 người tham gia, nhất là ở Sài Gòn - Gia Định.
Vào ngày 9/1/1950, Hội Thanh niên Cứu quốc và Tổng hội Sinh viên Sài Gòn - Gia Định - Tự Long đã tổ chức một phong trào mà đông đảo sinh viên xuống đường biểu tình để yêu cầu đảm bảo an ninh và trả quyền tự do cho sinh viên, thả những người bị bắt và mở lại trường học.
Thế nhưng, đoàn biểu tình bị đám cảnh sát và lính lê dương đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu với tinh thần đấu tranh mãnh liệt và sự hy sinh anh dũng của đồng chí Trần Văn Ơn đã thật sự khơi dậy trong lòng học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí kiên quyết đấu tranh chống thực dân, xâm lược Pháp và tay sai của chúng.
Sự kiện đó đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử Việt Nam. Do đó, vào tháng 2/1950, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hằng năm làm ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên.
3. Ý nghĩa ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên
Với sự kiện lịch sử gây chấn động vào ngày 9/1/2950, ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên ra đời như một cột mốc đánh dấu kỷ niệm sự kiện ấy, nhằm noi gương và ghi nhớ công ơn của anh Trần Văn Ơn cũng như toàn bộ HS-SV đã có tinh thần đấu tranh bất khuất.
4.Một số câu hỏi về ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên
Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên Việt Nam được Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tại Việt Bắc quyết định vào tháng 2/1950.
Sau này, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V diễn ra vào tháng 11/1993 tại Hà Nội cũng đã quyết định đồng thời lấy ngày 9/1 làm ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
Hằng năm, Hội Sinh viên Việt Nam đều có những phong trào sinh viên và tổ chức hoạt động để hưởng ứng ngày truyền thống HS-SV Việt Nam.
Một số các phong trào, chương trình có ý nghĩa như: “học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”, “chăm lo đời sống, quyền lợi và nghĩa vụ của sinh viên”, “Hoạt động văn hóa thể thao và công tác xã hội”,… Các hoạt động được xem như một bước phát triển mới của Hội, không ngừng nâng cao chất lượng học sinh, sinh viên Việt Nam.
Ngoài ra còn phải kể đến những hoạt động xã hội nổi tiếng tại các trường Đại học, Cao đẳng như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ánh sáng văn hóa hè”, “Hiến máu nhân đạo”,…
Đặc biệt, các chiến dịch lớn như: “Mùa hè xanh”, “Xuân tình nguyện”, “Phong trào Sinh viên 5 tốt” đã thu hút hàng triệu lượt thanh niên đăng ký tham gia, góp phần xây dựng hình ảnh sinh viên đẹp tại Việt Nam.
Bài hát truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam được lựa chọn là “Bài ca sinh viên” của nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến. Bài hát đã gắn liền với rất nhiều sự kiện giao lưu của các bạn sinh viên.