NHỮNG TRANG VÀNG TRUYỀN THỐNG CỦA LỰC LƯỢNG AN NINH NHÂN DÂN
--------------------------
Lực lượng An ninh nhân dân là một trong những lực lượng nòng cốt của CAND Việt Nam, được Đảng, Bác Hồ và ngành Công an chăm lo xây dựng, giáo dục, rèn luyện; được nhân dân tin yêu, đùm bọc, giúp đỡ. 78 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh nhân dân luôn tận trung với Đảng, không quản ngại hi sinh, gian khổ, dựa vào quần chúng nhân dân, lập nhiều chiến công xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.
🇻🇳 ĐẤU TRANH TRẤN ÁP PHẢN CÁCH MẠNG, BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN
Khám phá, tiêu diệt tổ chức phản cách mạng ở số 7 phố Ôn Như Hầu không chỉ là mốc son vẻ vang của CAND Việt Nam mà còn là dấu mốc quan trọng trong hành trình lịch sử cách mạng của dân tộc. Ngày 24/5/2001, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 457/2001/QĐ-BCA(X11) công nhận Ngày 12/7/1946 là Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân.
Việc xác định ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự phát triển ngày càng vững mạnh của lực lượng An ninh nhân dân; hằng năm, qua tổ chức kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân góp phần giáo dục cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh nhân dân nói riêng và cán bộ, chiến sĩ CAND về truyền thống cách mạng, lòng trung thành, không ngừng nâng cao cảnh giác, ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ, ý chí kiên cường, vượt qua gian khổ, khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội, cùng với đập tan các cơ quan đàn áp của địch, thiết lập chính quyền cách mạng, các tổ chức đầu tiên của lực lượng CAND ra đời: Ở Bắc Bộ, thành lập Sở Liêm phóng, ở Trung Bộ thành lập Sở Trinh sát và ở Nam Bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau nhưng các tổ chức đầu tiên của CAND Việt Nam đều có chung nhiệm vụ là trấn áp phản cách mạng, giữ gìn ANTT, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Trước tình thế vận mệnh dân tộc như “Ngàn cân treo sợi tóc”, nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn bội phần khi lực lượng còn quá mỏng, nghiệp vụ đánh địch còn đơn giản. Nhưng thế hệ cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của lực lượng An ninh nhân dân đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn, sau gần một năm kiên trì đấu tranh, đã bắt và diệt hàng ngàn tay sai chỉ điểm, bọn cầm đầu các đảng phái làm tay sai cho giặc; phá tan hàng chục tổ chức và nhen nhóm phản động. Kết quả đó đã góp phần từng bước đẩy lùi âm mưu của các thế lực nội phản; phá vỡ thế liên kết giữa thù trong với giặc ngoài; tạo điều kiện để Chính phủ triển khai những chính sách mới, củng cố chính quyền cơ sở, nâng cao một bước đời sống vật chất và giác ngộ chính trị cho nhân dân.
Đặc biệt, ngày 12/7/1946, Nha Công an Trung ương đã khám phá vụ án phản cách mạng ở số 7, phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), Hà Nội; phối hợp với các lực lượng vũ trang và nhân dân đồng loạt tấn công bóc gỡ 41 trụ sở Quốc dân Đảng công khai, bí mật; bắt gần 300 tên phản động; thu toàn bộ phương tiện, tài liệu phản cách mạng; đập tan âm mưu đảo chính, lật đổ chính quyền cách mạng của thực dân Pháp và đối tượng phản động.
Chiến thắng đó đã đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng của Quốc dân đảng ở Hà Nội và các địa phương, đánh đòn quyết định làm tan rã lực lượng của một đảng phản động nhất lúc bấy giờ, phá tan thế liên kết giữa thế lực nội phản với giặc ngoại xâm; góp phần giữ vững chính quyền cách mạng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Chiến công đó còn thể hiện sự mưu trí, sáng tạo trong đấu tranh của lực lượng An ninh nhân dân; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và vai trò, vị trí của lực lượng An ninh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.
Đánh giá về vụ án này, đồng chí Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết “những vụ khám bắt trên đây có một tác dụng vô cùng quan trọng; nó lột mặt bọn phản động bên trong, tay sai của bọn phản động bên ngoài… Nó lôi ra ánh sáng dư luận một bọn giả danh quốc gia dân tộc… Mấy cuộc khám bắt gần đây cắm một cái mốc trên con đường thống nhất dân tộc và biểu lộ sức mạnh, uy tín của chính quyền nhân dân…” (Trường Chinh: “Nhân mấy vụ xét bắt mới đây”, Báo Sự thật, số 45, ngày 19-7-1946).
🇻🇳 LỰC LƯỢNG AN NINH NHÂN DÂN TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
Trinh sát vũ trang phối hợp với lực lượng cách mạng tại chỗ, liên tục tiến hành các chiến dịch phá tề, trừ gian, phá chính quyền cơ sở của địch. Hệ thống chính quyền cơ sở của địch, nhất là ở vùng nông thôn bị phá vỡ từng mảng hoặc trở thành chính quyền “hai mang”; hàng trăm đối tượng cầm đầu gian ác như Trương Đình Tri - Chủ tịch “Hội đồng an dân Bắc Việt”, Nguyễn Văn Sâm - Chủ tịch mặt trận “Quốc gia liên hiệp” tại Nam Kỳ... bị tiêu diệt ngay tại trụ sở làm việc và trên đường phố là những chiến công gây tiếng vang lớn, đẩy bọn tay sai vào tình thế hoang mang.
Tại các vùng tự do, vùng căn cứ kháng chiến, trinh sát bảo vệ chính trị triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống phản cách mạng; bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo, căn cứ địa cách mạng và các cơ quan đầu não của kháng chiến. Thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, trinh sát địa bàn là lực lượng nòng cốt xây dựng, củng cố phong trào “bảo mật phòng gian”, “ngũ gia liên bảo”, giúp nhân dân vừa sản xuất vừa tích cực phòng gian, trừ gian và chống địch càn quét.
Nhờ vậy đã xây dựng thành công trận địa phòng chống phản cách mạng có bề rộng, có chiều sâu; phát huy được thế mạnh của Nhân dân vào trận địa phòng ngừa và đánh địch. Nhờ tinh thần cảnh giác của nhân dân và cán bộ kháng chiến ở các cơ quan, đơn vị nên đã phát hiện, điều tra hàng trăm tổ chức, ổ nhóm gián điệp, chỉ điểm; trấn áp các tổ chức phản động “Mặt trận dân chúng liên hiệp”, “Mặt trận giải phóng dân tộc” ở Thanh Hóa, vụ bạo loạn ở Sơn Hà, Quảng Ngãi... Những thành tích trong giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ phá vỡ thế liên minh giữa giặc ngoại xâm với thế lực nội phản mà còn hỗ trợ đắc lực cho lực lượng vũ trang đánh bại các chiến dịch quân sự của địch; từng bước tạo thế và lực cho kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến thắng lợi vẻ vang.
Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đất nước bước vào thời kỳ cách mạng mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam.
Ở miền Bắc, lực lượng An ninh nhân dân phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đoàn thể, lực lượng vũ trang, củng cố một bước chính quyền cơ sở, tập trung vào các địa bàn xung yếu, chiến lược, sẵn sàng đối phó với âm mưu mở rộng chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Từ năm 1954 đến năm 1965, đã khám phá, bắt, đẩy đuổi nhiều đối tượng gián điệp dưới dạng kẹt lại, khai quật các kho vũ khí... Từ năm 1960 đến năm 1973 đã tập trung lực lượng, thẩm tra, xác minh hoạt động của các loại đối tượng và tham mưu để chính quyền địa phương đưa toàn bộ số đối tượng gây nguy hại cho an ninh xã hội đi tập trung cải tạo hoặc cải tạo tại chỗ, từng bước xóa bỏ những cơ sở kẻ địch có thể lợi dụng. Nhờ vậy nên khi Mỹ và chính quyền Sài Gòn phát động cuộc chiến tranh gián điệp đối với miền Bắc hòng thực hiện âm mưu xâm lược toàn Đông Dương đã không còn chỗ dựa để ẩn náu và hoạt động. Từ năm 1961 đến năm 1975, quán triệt phương châm “phòng và chống” gián điệp của Đảng, lực lượng An ninh nhân dân triển khai đồng bộ các mặt nghiệp vụ, đánh bại hoàn toàn các cuộc chiến tranh gián điệp, gián điệp biệt kích đối với miền Bắc.
Từ hai chuyên án đầu tiên mang bí số PY27 và BK63, lượng An ninh nhân dân đã đánh đuổi các toán biệt kích xâm nhập bằng đường biển vào các tỉnh duyên hải và xâm nhập qua biên giới Việt - Lào vào các vùng rừng núi phía Bắc, Tây Bắc; đấu tranh thắng lợi hàng chục chuyên án gián điệp do cơ quan đặc biệt Mỹ và một số quốc gia khác tổ chức. Đặc biệt, từ năm 1960 đến năm 1976, lực lượng An ninh nhân dân triển khai thắng lợi kế hoạch M1, M2, thu được hàng chục ngàn tin quý giá phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta; ngăn chặn, làm thất bại chiêu bài tuyên truyền “Chúa đã vào Nam” để cưỡng bức, dụ dỗ đồng bào Công giáo ở miền Bắc di cư vào miền Nam của Mỹ – Diệm.
Những chiến công trên mặt trận đấu tranh phòng chống phản cách mạng cùng với kết quả trên lĩnh vực đấu tranh chống tham ô, lãng phí, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống chiến tranh tâm lý, nâng cao giác ngộ chính trị, tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng của quần chúng nhân dân đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng và củng cố vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, xứng đáng là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.
Nhờ dựa vào dân, nắm chắc tình hình, không ngừng củng cố lực lượng nên đã giúp lực lượng An ninh nhân dân tổ chức thắng lợi nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng; thu nhiều tin tức quan trọng, khám phá hàng trăm vụ án gián điệp, nội gián, đánh đuổi các toán thám báo, biệt kích; đưa đi cải tạo hàng chục ngàn đối tượng là tay sai chỉ điểm; tổ chức thành công các trận công đồn, tập kích lớn nhỏ, mở rộng vùng giải phóng. Lực lượng An ninh miền Nam tổ chức hàng ngàn trận đánh táo bạo vào những mục tiêu kẻ địch không thể ngờ tới, gây tiếng vang lớn như: nổ mìn ở Tổng Nha cảnh sát, ném lựu đạn vào Hội trường công chức, diệt Nguyễn Văn Bông, Trần Văn Văn,...
Những trận đánh táo bạo, những cuộc trừ diệt ác ôn ngay giữa ban ngày, tại nơi đông đúc diễn ra trên khắp chiến trường miền Nam, ở thành thị cũng như vùng nông thôn không chỉ khích lệ phong trào diệt ác mà đã đẩy các đối tượng ác ôn, tay sai gian ác vào tình thế lo sợ hoặc phải sống lưu vong. Song song với nhiệm vụ phòng chống phản cách mạng, lực lượng An ninh miền Nam còn cung cấp cho lực lượng vũ trang hàng ngàn tin tình báo về các chiến dịch bình định, các chiến dịch càn quét, giúp lực lượng vũ trang chủ động đối phó. Tin tức về trận càn “Đông Dương” vào căn cứ Tây Ninh, trận càn Junction City, chiến dịch Lam Sơn 719 (Đường 9 Nam Lào), chiến dịch “nhổ cỏ U Minh”,... đã góp phần giúp lực lượng vũ trang ta giành thắng lợi to lớn và giảm thiểu thương vong.
Trong các cuộc tổng tiến công và nổi dậy, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh nhân dân cùng với cơ sở chiến đấu can trường, lập được những chiến công đặc biệt xuất sắc; hàng trăm chiến sỹ an ninh Khu 9 anh dũng hy sinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968. Tiểu đội An ninh vũ trang T4 ròng rã chiến đấu 3 ngày tại Chợ Thiếc để chặn đánh, kìm chân lực lượng địch đông gấp trăm lần (diệt 50 tên, bắn cháy 10 xe trong đó có 5 xe bọc thép); toàn bộ 12 đồng chí đã hy sinh oanh liệt để bảo vệ tuyệt đối an toàn Bộ Chỉ huy tiền phương 2... là những tấm gương ngời sáng không chỉ của lực lượng An ninh miền Nam trung dũng kiên cường mà còn là biểu tượng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã phong tặng đơn vị danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Trong suốt những năm chống Mỹ, trong những hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo trước đối phương mạnh hơn ta nhiều lần nhưng lực lượng An ninh miền Nam không chỉ đánh thắng địch mà còn khẳng định tài trí của CAND Việt Nam. Từ năm 1961 đến năm 1975, Mỹ tập trung mọi cố gắng, lần lượt triển khai 3 kế hoạch tình báo quy mô lớn và mang tầm chiến lược là “Kế hoạch tình báo đại chúng”, “Kế hoạch P86”, “Kế hoạch Phượng Hoàng” và kỳ vọng mở đường, hỗ trợ cho chiến tranh xâm lược, nhưng cuối cùng đều thất bại thảm hại.
Hơn 20 năm trường đấu mưu, đấu trí, đấu pháp, đấu lực trên mặt trận bí mật trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước chiến đấu trên chiến trường miền Bắc hay trên chiến trường miền Nam đều tỏ rõ phẩm chất cách mạng trong sáng, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, quyết chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Hàng ngàn đồng chí đã nằm lại trên chiến trường và rất nhiều đồng chí còn đang mang trong mình di chứng, mất mát, hệ lụy từ chiến tranh.
Ngày 24/5/2001, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 457/2001/QĐ-BCA(X11) công nhận Ngày 12/7/1946 là Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân. Việc xác định ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự phát triển ngày càng vững mạnh của lực lượng An ninh nhân dân; hằng năm, qua tổ chức kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân góp phần giáo dục cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh nhân dân nói riêng và cán bộ, chiến sĩ CAND về truyền thống cách mạng, lòng trung thành, không ngừng nâng cao cảnh giác, ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ, ý chí kiên cường, vượt qua gian khổ, khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Qua tổ chức hoạt động kỷ niệm, Công an đơn vị, địa phương đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; tuyên truyền, lan tỏa hình ảnh đẹp “Vì Nhân dân phục vụ” của lực lượng CAND; khơi dậy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
CAND