GIÁ TRỊ DÂN TỘC VÀ THỜI ĐẠI TRONG BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP 2/9/1945
-------------
79 năm trôi qua, song đến hôm nay và cả muôn sau, Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 vẫn vẹn nguyên giá trị dân tộc và thời đại.
Người ta đã gọi bản Tuyên ngôn lịch sử này là “Thiên cổ hùng văn”, là bản Tuyên ngôn Độc lập thứ ba của dân tộc Việt Nam - sau bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” thế kỷ XI của Lý Thường Kiệt và “Bình Ngô đại cáo” thế kỷ XV của Nguyễn Trãi. Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) cho thấy trí tuệ sắc sảo, tư duy lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là kết quả của một quá trình tư duy khoa học, độc đáo và thiên tài của Người.
Bản Tuyên ngôn Độc lập được dư luận trong và ngoài nước đánh giá rất cao bởi trong đó hàm chứa những nội dung cốt lõi, cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định chủ quyền quốc gia của một dân tộc và giá trị về quyền con người của người dân một nước độc lập. Có thể rút ra nhiều điều về lý luận lẫn thực tiễn được đúc kết một cách hàm súc, gói gọn trong 1.120 từ, bao gồm 49 câu của bản Tuyên ngôn lịch sử đó.
Trước hết, Tuyên ngôn Độc lập đã nâng tầm quyền con người thành quyền dân tộc. Không chỉ dừng lại ở một tuyên bố về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà Tuyên ngôn còn mang tính thời đại rất sâu sắc. Đó là, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người dân được gắn liền với quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh viện dẫn hai bản Tuyên ngôn của hai quốc gia lớn, văn minh hàng đầu thế giới là Mỹ và Pháp để mọi người thấy rõ hơn quyền con người và quyền dân tộc là một hiện thực khách quan không thể tách rời.
Qua bản Tuyên ngôn khẳng định, xuất phát từ quyền con người, thông qua quyền con người để xác lập quyền dân tộc, bởi quyền con người chính là cơ sở nền tảng để thiết lập quyền dân Bản Tuyên ngôn Độc lập là giá trị trường tồn, định hướng cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Gần 90 năm trong “đêm trường nô lệ”, biết bao thế hệ người Việt Nam đã hy sinh chiến đấu cho khát vọng độc lập dân tộc. Tuyên ngôn không chỉ kết tinh các giá trị truyền thống anh hùng, ý chí đấu tranh bất khuất cho một nước Việt Nam độc lập, tự do mà còn là sự động viên, cổ vũ, khích lệ Nhân dân các nước thuộc địa, các dân tộc bị áp bức đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, giành quyền tự quyết cho đất nước mình.
Tuyên ngôn Độc lập còn khẳng định với thế giới về một đất nước Việt Nam sẽ hồi sinh mãnh liệt, tiếp tục hướng tới một tương lai tươi sáng, đấu tranh vì độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong cuộc hành trình đó, “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Qua Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cuộc đấu tranh giành tự do độc lập của dân tộc Việt Nam là chính nghĩa. Một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít, dân tộc đó phải được tự do, độc lập. Và, Nhân dân Việt Nam sẽ bằng mọi giá để giữ vững nền độc lập của mình.
Giá trị dân tộc và thời đại trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9 còn minh chứng một sách lược mềm dẻo, linh hoạt về đối ngoại, tinh thần nhân văn cao cả, tính hòa hiếu của một dân tộc “muốn là bạn với các nước”. Việt Nam luôn kiên định và sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước, kể cả các nước có quá khứ là thù địch nhưng nay công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
79 năm qua, tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành sức mạnh to lớn, kim chỉ nam hành động cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, trong bối cảnh thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện đoàn kết xung quanh Đảng và Nhà nước, thực hiện trọn vẹn lời thề thiêng liêng trong ngày lễ Độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tạp chí Đảng Cộng sản Việt Nam